Ticker

6/recent/ticker-posts

Header Ads Widget


Cải cách toàn diện công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập khẩu

Là đơn vị được giao làm đầu mối kiểm tra các giấy phép chuyên ngành như kiểm dịch, an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hoá tại cửa khẩu…, thời gian qua, nhằm giảm thời gian thông quan, Tổng cục Hải quan đã chủ động và tích cực phối hợp với các bộ, ngành cải cách công tác quản lý kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đối với hàng hoá xuất nhập khẩu.
Cong tac kiem tra chuyen nganh doi voi hang hoa xuat nhap khau

Theo quy định tại Luật Hải quan và các văn bản hướng dẫn thi hành, để thông quan hàng hóa, ngoài hồ sơ hải quan, tùy từng trường hợp cụ thể, DN phải xuất trình cho cơ quan hải quan các giấy phép, giấy tờ về KTCN do Thủ tướng Chính phủ, các bộ quản lý chuyên ngành, hoặc các tổ chức do các bộ quản lý chuyên ngành chỉ định cấp. Do vậy, để tạo thuận lợi cho DN trong hoạt động xuất nhập khẩu, ngoài nỗ lực cải cách thủ tục hải quan, cơ quan hải quan đã chủ động, tích cực triển khai các hoạt động, nhằm cải cách công tác quản lý và KTCN. Trong đó, nổi bật là Tổng cục Hải quan đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2026/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án “Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động KTCN đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu” và Quyết định số 1254/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Kế hoạch hành động thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác KTCN đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018-2020”. Tại hai quyết định đã nêu rõ mục tiêu, nhiệm vụ về cải cách công tác KTCN, kế hoạch phối hợp với các bộ, ngành chuẩn hóa quy trình, phát triển phần mềm, kết nối hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo triển khai 100% các thủ tục hành chính theo kế hoạch chung của Chính phủ. Ngoài ra, Tổng cục Hải quan cũng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 85/2019/NĐ-CP quy định về thực hiện các thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và KTCN đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; hoàn thiện trình Chính phủ 2 đề án về bảo hiểm bảo lãnh thông quan và quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Ở một hướng tiếp cận khác, trên cơ sở rà soát các quy định pháp luật về quản lý và KTCN, cơ quan hải quan đã kịp thời phát hiện những bất cập, vướng mắc và kiến nghị các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung các quy định. Hệ thống hải quan cũng đã chủ trì, phối hợp với một số bộ, ngành tổ chức các đợt làm việc tập trung để rà soát mã số HS đối với các danh mục chuyên ngành, mặt hàng chồng chéo nói riêng, pháp luật chuyên ngành nói chung; thực hiện tốt nhiệm vụ cải cách hoạt động KTCN theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và KTCN đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng tạo thuận lợi cho DN. Cụ thể, áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra, ban hành danh mục hàng hóa phải kiểm tra kèm mã số HS; chuyển nhiều hàng hóa có nguy cơ rủi ro thấp sang kiểm tra sau thông quan; cắt giảm danh mục hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra; đơn gỉản hóa quy trình, thủ tục kiểm tra; tăng đối tượng được miễn kiểm tra; bãi bỏ những quy định không cần thiết… Từ những nỗ lực đó, tính đến ngày 30/4/2020, các bộ, ngành đã sửa đổi, bổ sung 84/87 văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và KTCN (chiếm 97%) theo yêu cầu tại Quyết định 2026/QĐ-TTg và 26/29 văn bản (chiếm 90%) theo yêu cầu tại Quyết định số 1254/QĐ-TTg. Trong đó, có thể kể đến một số văn bản như Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm; Nghị định số 74/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 132/2008/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Chất lượng, sản phẩm hàng hoá; Nghị định số 85/2019/NĐ-CP quy định thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và KTCN đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Với những quy định được sửa đổi, bổ sung, tỷ lệ KTCN đã giảm từ 30% trong năm 2015 xuống còn 19,1% trong năm 2019. Cụ thể, tỷ lệ tờ khai KTCN/tổng số tờ khai trong các năm từ 2016 đến 2018 lần lượt là 23,24%; 20,36%; 20,19%. Đồng thời, cắt giảm được 12.600/82.698 mặt hàng thuộc diện quản lý và KTCN; hàng hóa chủ yếu được chuyển sang kiểm tra sau thông quan. Ngoài ra, Tổng cục Hải quan còn đẩy mạnh đưa các dịch vụ lên Cổng thông tin một cửa quốc gia. Tính đến ngày 30/5/2020, cơ chế một cửa quốc gia đã có 198 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối, với trên 3,1 triệu bộ hồ sơ của khoảng trên 38 nghìn DN được giải quyết, giúp giảm nhiều thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hải quan so với trước đây.

Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang chủ trì triển khai xây dựng đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu” theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 02/NQ-CP và Nghị quyết số 99/NQ-CP. Trên cơ sở cải cách thực chất công tác KTCN theo hướng cơ quan hải quan là đầu mối kiểm tra tại cửa khẩu (trừ các mặt hàng liên quan đến an ninh, quốc phòng, kiểm dịch, văn hóa...), đề án hướng đến mục tiêu cắt giảm chi phí, thời gian và tạo thuận lợi cho DN, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, đảm bảo hiệu lực quản lý nhà nước.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét

x

ĐĂNG KÝ DỊCH VỤ

ảnh viền